Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Bài giảng Chúa Nhậ 4 Thường Niên C (Văn Hương)

Chủ đề : Nguyên nhân khước từ Thiên Chúa.

Luca : 4,21-30.

--------------------------------------------------------------------------------------------

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại thái độ của dân Nazareth đối với Chúa Giêsu. Và qua đó, giải thích tại sao họ không tin Ngài, đồng thời mời gọi chúng ta thể hiện sự vâng phục đón nhận mặc khải của Thiên Chúa trong khiêm tốn và quảng đại.

Có thể nói, những thành công Chúa Giêsu đạt được trong những ngày đầu rao giảng ở Capharnaum mang một ý nghĩa quan trọng khi trở về Nazareth, và dĩ nhiên, những người đồng hương cũng cảm thấy hãnh diện về Ngài, nhưng là với thiên hạ, còn Chúa Giêsu, trong mắt họ chỉ là một kẻ bình thường : “Người này không phải là con ông Giuse sao ?” (Lc 4,22b). Do đó, dân Nazareth tuy thán phục về những lời từ miệng Chúa Giêsu thốt ra (x.Lc 4,22), nhưng không chấp nhận Ngài làm thầy dạy chân lý hay Lời Chúa, vì họ cho rằng đã biết rõ Chúa Giêsu. Điều này cho thấy xu hướng chung của con người thường ganh tỵ, không muốn ai hơn mình. Đây là biểu hiện phản ánh sự kiêu ngạo mà “Đức Chúa, người phàm đều chê ghét”(Hc 10,7a). Và, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rất nhiều những hậu quả của nó… nhưng trầm trọng hơn hết là kẻ kiêu ngạo gạt bỏ mọi lệ thuộc, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa - Tổ tông loài người sa ngã vì muốn nên như lời con rắn : “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”(St 3,5) - Chính vì thế, sách Châm ngôn nói : “kẻ nhạo báng không thích bị khiển trách, cũng chẳng chịu đến với người khôn”(Cn 5,12), cho nên không thể tìm thấy nơi nó sự khiêm hạ như lời sách Huấn ca : “Đối với kẻ kiêu ngạo thì thấp hèn là điều ghê tởm”(Hc 13,20a). Do đó, không có gì ngạc nhiên khi “Phường kiêu ngạo nặng lời chế giễu”(Tv 119,51) những người được Thiên Chúa sai đến giáo huấn, cũng như lời hứa của Người mà thánh Phêrô nói đến trong thư thứ hai của ngài như sau : “Trong những ngày sau hết, sẽ xuất hiện những kẻ nhạo báng chê cười, sống theo những đam mê riêng của họ. Họ nói : đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm ? Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành”(2Pr 3,3-4). Bởi vậy, không có gì lạ khi Thánh Kinh cho biết kẻ kiêu ngạo phạm tội một cách sống sượng (x.Ds 15,30tt), và bằng chứng cụ thể được tìm thấy trong Tin mừng hôm nay : Khi Chúa Giêsu trưng dẫn những tích sự trong Cựu ước để nói cho dân Nazareth biết : mọi người đều được hưởng ơn lộc của Thiên Chúa, chứ không dành riêng cho Israel như suy nghĩ ích kỷ hạn hẹp của họ, thì họ nổi giận, lôi Chúa Giêsu ra khỏi thành, kéo Ngài lên một đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực (x.Lc 4,28-30), chẳng khác gì lời Thánh vịnh 73 câu 6 đến câu 9 : “chúng lấy vẻ kiêu căng làm vòng đeo cổ, lấy thói bạo tàn làm áo che thân. Xác đầy mỡ tiết ra toàn gian ác, và tâm địa chan chứa những mưu mô. Chúng chế diễu, buông lời thâm độc, lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp người ; miệng chẳng từ xúc phạm trời cao, lưỡi tự do tung hoàng cõi dất”. Vì thế, Thiên Chúa ngăn đe và chế nhạo bọn người kiêu ngạo (x. Tv 119,21 ; Cn 3,34), và Chúa Giêsu khi khiển trách Pharisiêu cao ngạo, tham lam đã không ngần ngại khẳng định Thiên Chúa ghê tởm hạng người này (x. Lc 16,14-15), nên chúng sẽ bị trừng phạt như lời sấm của Isaia : “Người phàm tự kiêu sẽ cúi mặt nhìn xuống, con người ngạo nghễ rồi sẽ bị khuất phục… Vì Đức Chúa các đạo binh đã dành sẵn một ngày để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại : chúng sẽ bị hạ xuống”(Is 2,11-12).

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Dân Nazareth năm xưa khước từ, không tin nhận Chúa Giêsu vì họ tự phụ kiêu ngạo. Còn chúng ta hôm nay thì sao ? Chắc chắn chúng ta không dám đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng không thể nói chúng ta khiêm tốn, tự hạ như Gioan tẩy giả : “Đức Kitô phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (x.Ga 3,30), nếu nơi chúng ta vẫn còn thể hiện những hình thức của sự kiêu ngạo như : theo sự giả hình của Pharisiêu cho mình là công chính và kinh khi tha nhân. Làm mọi sự cốt để người khác trông thấy, nhưng con tim, tâm hồn thì thối nát (x.Mt 23,5.25-28) hoặc như lời thánh Giacôbê khiển trách những người vênh váo phô bày sự xa hoa : “các ngươi lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình” (Gc 4,16) và theo thánh Gioan thì đó là “Mọi sự trong thế gian : như dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của” (1Ga 2,16). Do đó, thánh Phêrô nói không thể lãnh nhận ân sủng “vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”(1Pr 5,5).

Xin cho lời Kinh thánh sau đây giúp mỗi người chúng ta không nên như người Nazareth thời Chúa Giêsu, nhưng biết đón nhận ân ban của Thiên Chúa, đồng thời quảng đại sống theo giáo huấn của Tin mừng : “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do trời ban”(Ga 3,28). Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Bài giảng Chúa Nhậ 3 Thường niên (Văn Hương)

Chủ đề : Đức Kitô – Đấng được Thánh Thần xức dầu.

Luca : 1,1-4 ; 4,14-21.

------------------------------------------------------------------------------------------------

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Nội dung chính của Trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe là những lời Chúa Giêsu nói về sứ mệnh của Ngài tại Hội đường ở Nazareth. Qua đó cho thấy, Chúa Giêsu là Massia mà các tiên tri loan báo và Israel đang mong đợi. Ngài là Đấng được Thánh Thần xức dầu để “rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn thống hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và khen thưởng”(Lc 4,18-19).

Theo tiếng Do thái và Aram thì chữ Massia hay chữ Kitô chuyển dịch từ Hy ngữ, đều có nghĩa “được xức dầu”. Cựu ước sử dụng chỉ những người được thánh hiến để thi hành chức vụ đại diện Giavê nơi dân Israel. Sách Samuel quyển thứ nhất và thứ hai ghi lại sự kiện Saul và Đavit được xức dầu tấn phong làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Đức Chúa (x.1 Sm 9,26-10,1-8 ; x. 1 Sm 16,1-13 ; 2 Sm 2,1-4 ; 2 Sm 5,1-5). Việc này cũng được thực hiện với Salomon cũng như những người thuộc dòng dõi ông lên nắm quyền hành (x. 1 V 1,39 ; 2 V 11,12 ; 23,30). Và sách Thánh vịnh thì cho rằng Đấng Massia đế vương là nghĩa tử của Thiên Chúa : “Người phán bảo tôi rằng : Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”(Tv 2,7 ; x. 2 Sm 7,14) cho nên “Chúa hằng ưu ái Đấng Người đã xức dầu tấn phong”(Tv 18,51), đồng thời bảo vệ và ban cho “một dòng dõi hùng cường” (x. Tv 132,17). Tuy nhiên, Kinh Thánh không dùng chữ Massia hay “được xức dầu” để chỉ riêng các bậc đế vương. Sách Các Vua quyển thứ nhất nói đến việc Thiên Chúa truyền cho ông Êlia xức dầu cho Êlisê làm tiên tri thay mình (x.1V 19,16), và cũng sách này, trong quyển thứ hai, cho thấy nghĩa rộng hiểu theo ẩn dụ của chữ Massia, qua sự kiện Êlia di chúc lại cho Êlisê hai phần thần khí (x. 2V 2,9). Vấn đề này được Isaia làm sáng tỏ, khi ông nhắc lại sứ mạng đã nhận được từ Thiên Chúa, ông nói : “Thần khí của Đức Chúa là Chúa thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi”(Is 60,1). Như thế, Thần khí được ban ai cho qua việc xức dầu là để họ thi hành một sứ mệnh nào đó theo ý Thiên Chúa. Cyrô được Thiên Chúa sai đến giải phóng Israel khỏi tay Babylon được gọi là Đấng được xức dầu của Giavê (x. Is 45,1), cũng vậy, các Tư tế được xức dầu để thực hiện công việc thiêng thánh trong đền thờ. Đây là lệnh của Thiên Chúa, được ghi trong sách Xuất hành ở phần chỉ thị về việc dựng nơi thánh và về các tư tế (x. Xh 25,1-31,1-18), mà Thánh vịnh diễn tả như sau : “như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon”(Tv 132,2). Tóm lại, từ những ý nghĩa của chữ Massia, chúng ta có thể kết luận : Sau khi Chúa Giêsu đọc xong trích đoạn lời Chúa trong sách Isaia, Ngài nói với dân chúng : “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”(Lc 4,41), là một mặc khải trọng đại mà thánh Tông đồ Phêrô khi giảng tại nhà ông Cornêliô đã xác quyết : “Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”(Cv 10,38). Như thế, Chúa Giêsu là Vua, là tiên tri, là tư tế. Và những tước hiệu này được làm sáng tỏ dưới ánh sáng Phục sinh : Chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện như con vua Đavit (x. Mt 1,1 ; Lc 1,27 ; Rm 1,3 ; Cv 2,29t ; 13,23), được nhận lãnh ngôi báu của tổ phụ (Lc 1,35), và khi chu toàn sứ mệnh người tôi trung đau khổ của Giavê như một tiên tri bị bách hại, Ngài đã hoàn tất vương quyền Israel bằng việc thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian. Qua cuộc khổ nạn thập giá, Chúa Giêsu được Thiên Chúa tôn xưng : “Muôn thuở, Con là Thượng tế theo phẩm trật Melkiseđek”(Dt 5,10), vì như lời kinh thánh chép : “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác : mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân ; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ”(Dt 7,27). Và khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu được cất nhắc lên ngôi báu với vinh quang của vị hoàng đế vượt trên mọi thứ vinh quang nhân loại. Bởi đó, thánh Phaolô nói : “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa”(Pl 2,10-11).

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được gọi là Kitô hữu, tức là người được xức dầu thánh hiến cho Thiên Chúa để làm công việc của Ngài như Chúa Giêsu Kitô. Như thế, chúng ta là những người được sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, được mời gọi sống như lời Chúa Giêsu phán : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), đồng thời biến đời mình nên của lễ dâng cho Thiên Chúa và thái độ tham dự thánh lễ của chúng ta sẽ cho thấy giá trị của lễ chúng ta dâng.

Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với danh Kitô Hữu. Amen.

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Bài giảng: Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (Văn Hương)

Chủ đề : Bước xuống nước với Chúa Giêsu để bước lên với Người.

Luca : 1,15-16. 21-22.

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Chúa Giêsu là Đấng Mêssia của Israel, là Con Thiên Chúa. Đây là điều thánh Luca muốn chúng ta nhận biết khi ngài thuật lại những sự việc xẩy ra trước và sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, mà trọng tâm là cuộc thần hiện : Chúa Giêsu đang cầu nguyện, thì trời mở ra, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán : "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Qua Cựu ước chúng ta thấy có hai đường hướng tiên tri khi loan báo ơn cứu độ, sự giải thoát của Thiên Chúa : Một bên căn cứ vào sự mong đợi Đấng Mêssia, còn bên kia nói đến một Thần Khí mới. Và trích đoạn lời Chúa chúng ta vừa nghe khẳng định Chúa Giêsu là người thực hiện những lời tiên báo này. Khi chịu phép rửa của Gioan tẩy giả tại sông Giođan, Chúa Giêsu tự đặt mình vào hàng ngũ tội nhân, tức là Chúa Giêsu chấp nhận và khởi đầu sứ mạng làm người tôi trung của Giavê mà Isaia đã phác hoạ qua bốn bài ca (x. Is 42,1-9 ; 49,1-7 ; 50,2-11 ; 52,13-15). Những bài ca này báo trước ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cách Người đổ tràn đầy Thần Khí cho muôn người được sống. Không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách mà thánh Phaolô nói trong thư gửi Philipphê : "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế"(Pl 2,6-7). Nghĩa là Chúa Giêsu mang lấy cái chết của chúng ta để thông truyền cho chúng ta Thánh Thần ban sự sống. Như thế, cuộc thần hiện không chỉ là một mặc khải, khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu, nhưng còn cho thấy sự vâng phục thánh ý Chúa Cha của Chúa Giêsu. Người bằng lòng chịu phép rửa bằng máu để nhân loại được tha thứ tội lỗi. Chính vì thế, Thánh Thần ngự xuống trên Người và Chúa Cha bày tỏ sự hài lòng. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 536 nói lên ý nghĩa của biến cố này như sau : "Chúa Giêsu sẽ là nguồn mạch Thánh Thần cho toàn thể nhân loại. Lúc Người chịu phép rửa, các tầng trời mà tội Ađam đóng lại, nay được mở ra (Mt 3,16), và dòng nước được thánh hoá do việc của Đức Giêsu và Thánh Thần ngự xuống báo hiệu cuộc sáng tạo mới". Thiết nghĩ, chúng ta – những người nhờ Bí tích Thánh tẩy – được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã tiền dự cái chết và sự phục sinh của mình ngay trong phép rửa. Do đó, Giáo hội mời gọi chúng ta "cũng phải dấn thân vào mầu nhiện tự hạ và hoán cải này, bước xuống nước với Chúa Giêsu để bước lên với Người" (GLHTCG s.537) ngõ hầu nên như lời Kinh Thánh chép : "Vì được dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu (bv. Người), chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới"(Rm 6,4), mà nguyên lý của đời sống này được trình bày trong thư Côlôsê ở chương ba : Kết hợp với Đức Kitô Phục sinh bằng đời sống tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chứ không chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Và thư Êphêsô đưa ra những lời khuyên giúp chúng ta chu toàn đời sống mới trong Đức Kitô như sau : "Anh em hãy nói sự thật với người lân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư ? đừng phạm tội : chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng. Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu. Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, móng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô… hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta… Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh. Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả : đó là những điều không nên ; trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn… Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí…trong mọi hoàn cảnh hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha"(Ep 4,25-29.31-5,2.3-4.18.20)

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta có tinh thần như Gioan và Giacôbê năm xưa, sẵn sàng "thưa được" trước câu hỏi của Chúa Giêsu : "Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?"(Mc 10,38). Tức là thông phần vào cuộc khổ nạn phục sinh của Chúa Giêsu bằng đời sống theo giáo huấn của Tin mừng. Amen.

Văn Hương

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Giuse Nguyễn Thanh Kiều đi làm chánh xứ

Ngày 15 tháng 1 năm 2010 sắp tới, anh Giuse Nguyễn Thanh Kiều sẽ đi làm chánh xứ giáo xứ Suối Tre, hạt Xuân Lộc và kiêm quản nhiệm giáo xứ Cáp Rang. xin anh em hiệp ý cầu nguyện cho anh Kiều trong sứ vụ mới sắp tới.

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Bài giảng Chúa nhật Lễ Hiển Linh (Văn Hương)

Chủ đề : Đức Kitô : cùng đích của con người.

Matthêu : 2,1-12.

--------------------------------------------------------------------------------------------

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Nhờ ánh sáng của ngôi sao xuất hiện ở Phương Đông, các đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm Chúa Giêsu Hài Đồng, và họ được phúc gặp Người, chính là nội dung của trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe. Và qua đó cho thấy tất cả mọi dân tộc dù ở bất cứ đâu cũng sẽ được dẫn đến với Đấng chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa.

Trong thông điệp Giáng sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói : “Thánh Kinh và Phụng Vụ không đề cập đến ánh sáng tự nhiên, nhưng là một thứ ánh sáng khác cách nào đó đã nhắm tới và tập chú trên «chúng ta», chính vì cái «chúng ta» đó mà Hài nhi Giêsu đã sinh ra”. Theo trình thuật Giáng sinh của Thánh Luca, thì ánh sáng mà chúng ta đang nói đến dường như còn xa lạ với con người, chỉ có Đức Maria, Thánh Giuse và một vài mục đồng chiêm ngưỡng, ví như một ngọn lửa thắp lên giữa đêm đen, và được Thánh sử Gioan trình bày ở lời tựa trong Tin mừng của ngài như sau : “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng… Ngôi lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”(Ga 1,5.9). Từ trong hang đá, ánh sáng đích thực bừng lên đơn sơ và kín nhiệm, “đúng theo cách thức Thiên Chúa hành động trong lịch sử cứu độ. Chúa thường thắp lên những ngọn đèn leo lét, để rồi chiếu tỏa rộng rãi”(TĐGS). Bằng chứng là các Đạo Sĩ Phương Đông đã nhìn thấy và tiếp nhận ánh sáng này, họ trở nên biểu tượng cho tính phổ quát của ơn cứu độ. Như thế, có thể nói, ánh sáng của Chúa Kitô vượt khỏi hang đá Bethlem lan tới mọi nơi, soi sáng trên mặt đất cũng như chốn trời cao, đồng thời đi vào tâm hồn con người, truyền tải thông điệp : “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”(Ga 8,12). Và câu lời Chúa sau đây : “Ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ hài nhi ở”(Mt 2, 9), cách nào đó cho thấy lời thánh vịnh 85, câu 11-12 thể hiện nơi Đức Kitô : “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao”. Như thế, Đức Kitô chính là điểm đến, là trọng tâm - cùng đích đời sống hiện tại cũng như mai hậu của chúng ta. Nhờ Người, chúng ta có khả năng đáp lại những đòi hỏi của Thiên Chúa để được ơn làm nghĩa tử, được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi” (x.Gl 4,4-6). Và qua Người, chúng ta được thuộc vào hàng ngũ những kẻ thừa kế theo lời hứa (x. Gl 3,29), lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x.Ga 1,16). Chính vì thế, Sách Gương Chúa Giêsu nói : “Không có Chúa Giêsu, đời có làm được gì cho ta ? Sống mà không có Chúa Giêsu là tất cả một hỏa ngục thê thảm. Ở với Chúa Giêsu là một thiên đàng êm thú. Có Chúa Giêsu ở với, không thù nào có thể làm nổi loạn. Được Chúa Giêsu là được kho tàng vô giá, hay đúng hơn, một báu vật thắng vượt mọi báu vật. Mất Chúa Giêsu là mất tất cả, mất nhiều hơn mất trót vũ trụ. Sống mà không có Chúa Giêsu, không còn thứ nghèo nào bằng. Được sống với Chúa Giêsu không phú quý nào sánh kịp”(Sđd tr.110). Ước gì mỗi người chúng ta nên như các đạo sĩ trong bài Tin mừng, biết tiếp nhận ánh sáng Chúa Kitô để trở nên nguồn sáng, là người có Chúa Giêsu. Vì như lời Đức Thánh Cha đương nhiệm : “Thiên Chúa vẫn thắp lên những ngọn lửa giữa đêm tối của thế giới khi kêu gọi những người nam nữ hãy nhận biết nơi Đức Giêsu «dấu chỉ» của sự hiện diện cứu độ và giải thoát” (TĐGS), để gia nhập vào đoàn người mà tiên tri Isaia đã loan báo : “Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng” (Is 60,3a).

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta xác tín lại một lần nữa, chúng ta là con cái sự sáng vì thuộc về Chúa Kitô. Bởi đó, chúng ta phải bước đi trong ánh sáng để được hiệp thông với Thiên Chúa Đấng là ánh sáng (1Ga 1,5tt). Và mối tương quan này được biểu lộ qua những hoa trái của ánh sáng, đó là những việc tốt lành, công chính và chân thật mà chúng ta sống cũng như làm cho tha nhân.

Xin Chúa Giúp mỗi người chúng ta, những người tiếp nhận ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Kitô biết sống theo thánh ý Thiên Chúa như các đạo sĩ năm xưa, khi được báo mộng, họ đã không trở lại với Hêrôđê bạo chúa, nhưng đã qua lối khác mà về quê hương xứ sở. Tức là từ bỏ, không cộng tác với những gì chống lại sự thật, hủy diệt tình yêu. Được như thế, chúng ta sẽ trở nên chứng nhân của sự ánh sáng, và qua đó, người khác sẽ nhận biết Chúa Giêsu chính là cùng đích của hành trình dương thế nơi con người. Amen.

Bộ sưu tập hình hang đá máng cỏ

Liên kết các Blog

Album CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Album SAO CON KHÔNG CÓ LỜI RU

Lượt xem:

Web Page Traffic Counter

Powered By Blogger